Một trong những hậu quả mà những người hút thuốc lá cũng như tiếp xúc nhiều với khói thuốc nhận lấy đó chính là ung thư phổi. Thuốc lá chỉ mang đến những khoảnh khắc thư giãn tức thời, nhưng hệ lụy kéo theo thật khó lường. Dẫu biết rằng bản thân mình có thể mắc phải căn bệnh ung thư quái ác ấy nhưng nhiều người vẫn cố tình dấn thân vào sự quyến rũ của làn khói trắng.
Bản thân những người đã và đang hút thuốc cần có cái nhìn sát sao hơn về căn bệnh ung thư phổi và tác hại của khói thuốc lá để kịp thời tránh xa chất độc hại đang dần bào mòn cơ thể các bạn.
Tìm hiểu ung thư phổi
Tại Việt Nam ung thư phổi là một trong những loại ung thư nguy hiểm, đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư. Ung thư phổi ngày càng có xu hướng tăng dần với tỉ lệ tử vong cao nhất. Trong những năm gần đây, xu hướng những người trẻ tuổi bị ung thư phổi ngày càng tăng, mà nguyên nhân chủ yếu là do thuốc lá và khói thuốc lá.
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Đây là một khối u ác tính được hình thành trong phổi và các tể bào này tăng trưởng rất nhanh trong các mô phổi, khó có thể kiểm soát tốc độ và sự lây lan của nó. Khối u ác tính này ban đầu rất nhỏ và khó có thể phát hiện, nếu không kịp thời điều trị nó sẽ lan nhanh ra ngoài phổi và lan rộng ra các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn. Khi tế bào ung thư bắt đầu phát triển, các mạch máu sẽ nhanh chóng sinh sôi để nuôi dưỡng tế bào ung thư. Các tế bào ung thư trong phổi sẽ nhanh chóng phá hủy các mô phổi gây ra nhiều triệu chứng như khó thở, ho và thật sự rất đau đớn.
Ung thư phổi được xem là loại ung thư nguy hiểm thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Loại ung thư này gồm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15-20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm 80-85%).
GS. TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Ung thư phổi là loại ung thư khó phát hiện sớm bởi dấu hiệu rất khó nhận biết và bản thân người bị ung thư giai đoạn đầu không chưa có sự suy giảm về thể lực. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị song tiên lượng bệnh vẫn còn khá dè dặt”. Chính vì thế mà tỉ lệ tử vong do ung thư phổi cao hơn rất nhiều, chỉ khi nào khối u ác tính hình thành trong phổi đã lớn dần, có thể nhìn thấy qua X-quang thì cũng là lúc các tế bào đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Cũng lúc này người bệnh mới có những triệu chứng của ung thư và sức khỏe giảm sút đáng kể. Theo thống kê, tỉ lệ người tử vong do ung thư phổi khoảng 20.000 người/năm.
Dấu hiệu và triệu chứng
So với các loại ung thư khác, ung thư phổi khó phát hiện trong giai đoạn đầu và chỉ xuất hiện các triệu chứng thường gặp. Ngay cả khi sử dụng phương pháp chụp X-quang cũng không lần ra dấu vết của các tế bào ung thư có trong phổi, cho đến khi các tế bào này phát triển thành một khối u lớn thì mới được phát hiện. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi chỉ được phát hiện khi căn bệnh này đã bước sang giai đoạn cuối, có nghĩa là các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi ở những giai đoạn cuối với mức độ nghiêm trọng khác nhau, thậm chí nhiều người không cảm nhận được rõ ràng mà chỉ thấy cơ thể mệt mỏi. Các triệu chứng thường gặp ở những người bị ung thư phổi:
- Ho nhiều: Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết nhất đó là người bệnh ho rất nhiều, ban đầu là ho khan sau đó là ho có đờm và thậm chí ho ra máu.
- Khó thở: Đi kèm với những cơn ho là khó thở, thở khò khè rất khó chịu.
- Đau và tức ngực: Người bệnh bắt đầu cảm thấy ngực đau và tức, họ có thể liên tưởng do cao huyết áp nhưng thực ra đây là triệu chứng có khối u phát triển trong phổi gây tức ngực, cản trở sự hô hấp.
- Mệt mỏi và chán ăn: Đa số những bệnh nhân ung thư phổi đều thấy cơ thể vô cùng mệt mỏi, chán ăn và suy nhược cơ thể. Đó là vì các tế bào ung thư phát triển cản trở sự trao đổi oxy, sản xuất máu. Điều này cũng tạo cho người bệnh cảm giác không thèm ăn, cơ thể dần yếu hơn và sụt cân nhanh chóng.
- Đau mỏi cơ: Nhiều người cho rằng đó không phải dấu hiệu và khá ngạc nhiên, tuy nhiên đây là một dấu hiệu xuất hiện trong giai đoạn đầu mà bản thân người bệnh không nhận ra. Nguyên nhân đau mỏi cơ là do khi các tế bào ung thư phát triển sẽ chèn lên các dây thần kinh ngực, lưng, bụng, vai gây ra đau nhức.
- Thường bị viêm nhiễm phế quản, hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.
- Một số dấu hiệu khác như: bất thường ở mô vú, hay canxi trong máu cao cũng là những triệu chứng của bệnh ung thư phổi.
Các loại ung thư phổi
Dựa trên sự xuất hiện của các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi, ung thư phổi có thể chia làm hai loại chính: ung thư phổi tế bào lớn và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ung thư phổi tế bào lớn
Ung thư phổi tế bào lớn (NSCLC) được nghiên cứu là tế bào ung thư có kích thước lớn. Loại ung thư này phổ biến và có tốc độ lây lan chậm hơn các tế bào ung thư nhỏ. Theo thống kê, tỉ lệ người mắc loại bệnh ung thư phổi tế bào lớn lên đến 80%. Trong loại bệnh ung thư này cũng có thể chia ra 3 nhóm nhỏ:
- Ung thư phổi tuyến: các tế bào ung thư bắt đầu từ các tế bào sản xuất chất nhầy, nó hình thành ở phần ngoài của phổi.
- Ung thư phổi biểu mô tế bào vảy: xuất hiện và phát triển ở đường hô hấp lớn hơn.
- Ung thư phổi biểu mô tế bào lớn: các tế bào ung thư không rõ ràng vảy hoặc ung thư tuyến.
Ung thư phổi tế bào nhỏ
Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) là các tế bào ung thư nhìn khá nhỏ qua sự quan sát dưới kính hiển vi. Đây là loại ung thư khá hiếm nhưng có thể phát triển nhanh chóng. Ung thư tế bào phổi nhỏ thường bắt đầu ở phổi sau đó lây lan nhanh, tốc độ nhanh hơn ung thư tế bào lớn, có thể lây lan nhanh chóng vào máu cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
Những nguyên nhân gây ung thư phổi
Ung thư phổi đang là căn bệnh nguy hiểm và tỉ lệ người mắc loại ung thư này ngày càng cao. Khoảng 85% các ca mắc ung thư phổi đều bắt nguồn từ việc hút thuốc lá trong thời gian dài. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến ung thư phổi còn bắt nguồn từ môi trường sống: tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm môi trường, các hóa chất độc hại hoặc hút thuốc lá thụ động… và một nguyên nhân nữa là do di truyền.
Hút thuốc lá gây ung thư phổi
Trong khói thuốc lá có hơn 7000 chất độc hại, là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh ung thư phổi mà rất nhiều người mắc phải. Khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà khi vào cơ thể mang theo nhiều chất độc hại và tồn tại khá lâu trong phổi người hút thuốc. Theo thời gian các chất độc này sẽ làm biến đổi các tế bào trong phổi, hình thành các tế bào ung thư và thành khối u ác tính, dẫn đến căn bệnh ung thư phổi. Chính vì vậy có thể khẳng định hút thuốc lá gây ung thư phổi nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm: Hút thuốc lá có hại như thế nào cho hệ hô hấp của con người?
Hút thuốc lá thụ động
Không chỉ trực tiếp hút thuốc, việc hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra căn bệnh quái ác này. Khói thuốc lá không chừa một ai, bởi chỉ cần tiếp xúc là nó sẽ có cơ hội đi vào cơ thể người qua đường hít thở. Theo nghiên cứu có khoảng 67,6 người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà và 49% bệnh nhân bị ung thư phổi do phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc, công cộng.Những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, tỉ lệ bị ung thư phổi cao hơn 20-30% những người không tiếp xúc.
Khí Radon
Ngoài khói thuốc lá thì một số nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây ra ung thư phổi còn do tiếp xúc nhiều với khí radon. Đây là loại khí không màu, không mùi được hình thành và tồn tại trên trái đất một cách tự nhiên. Nó được tạo ra từ hoạt động phân rã chất phóng xạ radi, đây là một loại khí đặc biệt độc với phổi. Nếu tiếp xúc nhiều với radon, con người dễ bị mắc căn bệnh ung thư phổi.
Khí radon có nhiều trong các nền đất đá, lớp vỏ trái đất. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khí radon từ trong nền đất đá thoát ra và xâm nhập vào các tòa nhà qua các vết nứt trên tường hay nền gạch. Đặc biệt ở những vùng đất, đá có đặc tính phóng xạ cao, khí radon nhiều hơn. Do đó những người thường xuyên làm việc trong tầng hầm hoặc tầng thấp của các tòa nhà có nguy cơ ung thư cao hơn.
Amiăng
Rất ít khi được nhắc đến nhưng thực ra Amiăng lại là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư ở người với tỉ lệ không nhỏ. Amiăng là một chất được ứng dụng trong ngành công nghệ chế tạo vật liệu chịu nhiệt, sản xuất ô tô và vật liệu xây dựng. Những người tiếp xúc nhiều với Amiăng dễ có nguy cơ bị ung thư phổi, đặc biệt đối với những người hút thuốc lá có tiếp xúc với Amiăng thì nguy cơ ung thư phổi gấp 45 lần so với người bình thường. Ngoài ra Amiăng cũng có thể gây ra căn bệnh u trung biểu mô màng phổi, hay còn gọi là ung thư màng phổi.
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư phổi. Không khí bị ô nhiễm do các chất độc từ nhà máy, từ môi trường sống, khói bụi,… Môi trường sống tồn tại nhiều hóa chất độc hại như uranium, radium hay những chất phóng xạ, các hóa chất đồng, than đá, amiang, crom, nhựa đường… Nếu người thường xuyên sống trong môi trường có nhiều chất độc, các hóa chất, khói bụi sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi.
Di truyền
Ngoài ra thì yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư phổi. Khoảng 8% những ca ung thư phổi đều được phát hiện bởi yếu tố di truyền. Trong gia đình, những người có chung huyết thống nếu có ca bệnh ung thư phổi thì tỉ lệ di truyền cho đời sau tăng 2,4 lần.
Chế độ ăn uống
Nhiều người cho rằng, không hút thuốc lá, không tiếp xúc nhiều với các chất độc hại sẽ không có nguy cơ bị ung thư phổi. Bởi vì họ chắc chắc không biết được rằng chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh quái ác đó. Một chế độ ăn uống không hợp lí, ăn nhiều thức phẩm không lành mạnh, chế biến sẵn, ăn đồ sống, đặc biệt là uống nhiều bia rượu cũng dễ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên, nhiều ca ung thư phổi có nguồn gốc bắt đầu từ các tiền sử bệnh phổi, tuổi tác hay xạ trị vùng ngực…
Hút thuốc lá bao lâu thì bị ung thư phổi
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy được rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh ung thư phổi chính là do thuốc lá. Ung thư phổi vì thuốc lá là có thật và hiển nhiên ai cũng biết, vậy hút thuốc lá bao lâu thì bị ung thư phổi?
Tùy thuộc vào gen
Những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao, có người hút thuốc 20-30 năm mới phát bệnh, nhưng cũng có người mới tiếp xúc thời gian ngắn đã mắc ung thư. Bởi theo nghiên cứu cho thấy những người sở hữu gen dễ phát triển ung thư phổi thì chỉ cần tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian ngắn cũng có thể bị phơi nhiễm ung thư. Các tế bào ung thư dễ có điều kiện phát triển và phát triển nhanh chóng hơn khi vừa có gen dễ nhiễm và khi có tác động của các chất độc hại từ khói thuốc lá. Ung thư phổi vì hút thuốc lá nhanh hay chậm, còn phụ thuộc vào gen mỗi người.
Tùy thuộc vào tần suất hút thuốc
Tại sao hút thuốc lá gây ung thư phổi? Đó là vì trong khói thuốc lá chứa hàng ngàn chất độc, khi hút thuốc khói thuốc sẽ mang các chất độc đó tích tụ trong phổi làm tổn thương và hình thành các tế bào ung thư. Nếu lượng khói thuốc được dung nạp vào cơ thể, đặc biệt là tích tụ trong phổi càng ngày càng nhiều thì tỉ lệ bị ung thư càng cao. Bởi vậy tần suất hút thuốc lá của mỗi người sẽ quyết định nguy cơ và thời gian bị ung thư phổi. Các nhà khoa học ước tính rằng nếu trong vòng 14 tháng, người hút thuốc sử dụng 30 điếu/ ngày và trong vòng 22 tháng sử dụng 10 điếu/ ngày sẽ có khả năng mắc ung thư cao hơn. Hút thuốc lá càng nhiều, nguy cơ bị ung thư phổi càng cao và càng nặng.
Cách giảm nguy cơ ung thư phổi hiệu quả nhất
Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, càng hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá nhiều thì bạn càng có nguy cơ bị ung thư phổi. Cho đến khi xuất hiện nhiều triệu chứng của ung thư bạn mới vỡ lẽ ra rằng mình đã quá thiếu thận trọng. Ung thư phổi rất quái ác, nó gây ra những cơn đau không thể nào chịu đựng được, và lúc ấy mới nhận ra thì đã quá muộn màng. Vậy ngay từ bây giờ hãy tự bảo vệ lấy cơ thể mình, giảm nguy cơ bị ung thư phổi. Và để giảm nguy cơ đó chúng ta cần làm gì?
Bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc
Điều đó là lẽ đương nhiên bởi 85% ca ung thư phổi vì hút thuốc lá. Hãy bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Khi bạn hút thuốc lá tức là bạn đang dung nạp vào cơ thể hơn 7000 chất độc, các chất độc này được dung nạp vào phổi và tàn phá cơ thể bạn. Bạn càng hút thuốc, nguy cơ bạn bị ung thư phổi ngày càng cao.
Ban đầu, có thể chỉ là những cơn ho nhẹ, sau đó là những tiếng ho khan, ho có đờm và thậm chí đến lúc bạn ho ra máu thì lúc ấy phổi của bạn đã bị tổn thương nghiêm trọng. Các tế bào ung thư không thể phát hiện ngay từ đầu, dù công nghệ hiện đại đến đâu, chỉ đến khi giai đoạn cuối của ung thư, bạn đối diện với cái chết rồi thì lúc đó đã quá muộn, không còn phương thuốc gì để cứu bạn nữa.
Thuốc lá dễ cám dỗ, khói thuốc lá có mặt khắp mọi nơi, nhưng cũng không hẳn là chúng ta không thể loại bỏ được nó. Nếu đang hút thuốc, hãy từ bỏ nó. Đến những nơi có khói thuốc lá, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách tránh xa hoặc khắc phục nó.
Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
Không chỉ có thuốc lá, môi trường sống ô nhiễm hay các chất độc hại cũng là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi. Do đó việc bảo vệ bản thân trước các nguy cơ là điều tất yếu. Nếu không thể tránh xa, chúng ta hãy sử dụng phương pháp đối diện an toàn. Khi bạn làm việc trong môi trường độc hại, có nhiều khí độc hay khói thuốc, hãy sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như khẩu trang, trang phục bảo hộ, kính chống khói bụi…
Loại bỏ hoàn toàn tấm lợp amiăng
Amiăng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp chế tạo ô tô, vật liệu xây dựng,… Vì thế dễ gây nguy cơ bị ung thư phổi. Bởi vậy việc loại bỏ các tấm lợp amiăng là điều cần thiết để tránh nguy cơ bị ung thư phổi.
Vận động thường xuyên
Một cơ thể khỏe mạnh với sức đề kháng tốt có thể giúp bạn chống chọi lại được với các chất độc và nguy cơ bị ung thư phổi. Chính vì vậy hãy trang bị cho mình một sức khỏe dẻo dai bằng cách vận động thường xuyên. Theo nghiên cứu những người có thể trạng khỏe mạnh, hệ miễn dịch của họ cũng mạnh mẽ hơn và ngăn cản được sự phát triển của các tế bào ung thư phổi cũng như các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Hãy vận động tập thể dục mỗi ngày để giảm nguy cơ ung thư phổi hiệu quả.
Chế độ ăn uống khoa học
Thay vì ăn bừa ăn bãi, ăn những thực phẩm chế biến sẵn thì bạn nên tạo cho mình một thói quen ăn uống hợp lí, khoa học hơn. Không sử dụng những thực phẩm chứa hóa chất, thức ăn sẵn, hạn chế sử dụng rượu bia… sẽ giúp bạn giảm được khả năng bị ung thư phổi. Một chế độ ăn uống khoa học sẽ tăng được sức đề kháng, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khiến cơ thể khỏe mạnh và đương nhiên là các tế bào ung thư sẽ không có cơ hội để phát triển.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Mặc dù ung thư phổi giai đoạn đầu rất khó để phát hiện, nhưng bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có những phương pháp điều trị tốt hơn. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nếu được chữa trị kịp thời cơ thể sẽ phòng ngừa và ngăn chặn được các triệu chứng của mầm bệnh. Đối với căn bệnh ung thư, khi sức khỏe chúng ta càng yếu thì tốc độ di căn của nó càng cao. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng có thể giúp bạn phát hiện ra mầm bệnh sớm và kịp thời điều trị.
Nói tóm lại, bệnh ung thư phổi rất nghiêm trọng và nó không chỉ xuất hiện với một số người. Tỉ lệ các ca bệnh ung thư phổi tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng cao và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nhấn mạnh hơn về nguyên nhân gây ra ung thư phổi vẫn là do thuốc lá. Vì sao hút thuốc lá gây ung thư phổi chắc hẳn tất cả chúng ta đều biết. Bởi vậy điều đầu tiên bạn cần và có đó là không để thuốc lá tồn tại trong cuộc sống của chúng ta nữa. Hãy từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ. Nếu đang bị thuốc lá cám dỗ, hãy cai nó bằng nhiều phương pháp để loại bỏ nó và bảo vệ cơ thể chúng ta trước nguy cơ bị ung thư phổi. Chưa bao giờ là muộn nếu ngay từ bây giờ bạn bỏ thuốc lá!